Đọc Vị Những Thành Phần Gây Hại Cho Tóc Nên Tránh Trong Sản Phẩm Chăm Sóc Tóc
Giữa vô vàn các sản phẩm chăm sóc tóc trên thị trường, bạn sẽ thường bị gây ấn tượng với những hiệu quả mà bỏ qua mất những thành phần có trong những sản phẩm đó. Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh với những lưu ý quan trọng mà Thienanco gợi ý đến bạn trong bài viết lần này nhé!
Dưới đây là một số thành phần bạn nên nhận biết và loại bỏ chúng ra khỏi sản phẩm chăm sóc tóc của mình:
- Fragrance (Hương liệu)
Đa số các dầu gội và dầu xả có hương thơm ấn tượng luôn thu hút người sử dụng. Tuy nhiên, các hương liệu nhân tạo nằm trong số năm chất gây dị ứng hàng đầu trên thế giới và có thể gây mất cân bằng nội tiết tố (hormone) dẫn đến rụng tóc. Đây là một số những thành phần gây hại cho tóc mà bạn nên nhận biết đầu tiên.
- Parabens (Chất bảo quản)
Hầu hết các sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội, dầu xả, sữa rửa mặt đều tồn tại Paraben. Chúng được biết đến như một chất bảo quản nhằm kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm, có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nấm và vi khuẩn trong sản phẩm gội, xả.
Paraben có thể làm ảnh hưởng đến nội tiết tố cơ thể tương tự như hương liệu. Thậm chí, đã có nghiên cứu chứng minh rằng Paraben còn có nguy cơ gây ung thư vú và giảm lượng tinh trùng ở nam giới.
Các loại Paraben được sử dụng phổ biến: propylparaben, benzylparaben, methyl-paraben, butylparaben.
- Silicone (Chất làm mượt giả)
Silicone là hoạt chất tạo độ bóng, lấp đầy và bao phủ sơi tóc bao gồm cả da đầu. Lớp silicone chỉ bao phủ tóc, tạo ảo giác tóc bóng mượt, thực chất khiến tóc trở nên nặng hơn, dễ làm mất đi khả năng giữ nhiệt vốn có của tóc.
Silicone khó có thể gội sạch với nước, bám trên da đầu và tóc lâu ngày sẽ gây tắc nghẽn, ảnh hưởng đến mầm tóc bên trong da đầu, làm cho vòng đời phát triển của tóc trở nên ngắn hơn, đồng thời đây cũng là nguyên nhân khiến dễ xuất hiện tình trạng rụng tóc.
Silicone thường xuất hiện với các tên phổ biến như Dimethicone, Cyclomethicone, Amodimethicone, Polydimethylsiloxane… hoặc các tên kết thúc bằng đuôi -cone).
- Phthalates
Phthalate là một nhóm các loại hóa chất nhân tạo, được sử dụng với mục đích làm thay đổi tính chất của sản phẩm. Đối với dầu gội đầu, phthalate được dùng với tác dụng tạo và lưu giữ hương thơm và làm mềm, mượt tóc.
Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt tác dụng, mặt khác dầu gội có chứa phthalate tác động lên da đầu có thể làm mềm da, kích thích nở da, đẩy nhanh quá trình rụng tóc.
Nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc cho thấy, các phthalate và dẫn xuất của chất này (xenoestrogen) gây ảnh hưởng đến hệ thống sinh dục, làm rối loạn nội tiết tố, cụ thể là làm rối loạn hệ thống hormon giới tính và gây ra dậy thì trước tuổi ở cả bé gái lẫn trai. Ngoài ra phthalate còn làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung cũng như ung thư vú ở phụ nữ.
- Propylene Glycol (PEG)
Propylene Glycol là một loại hóa chất có tác dụng giữ độ ẩm và tăng cường khả năng thẩm thấu. Mặc dù đã được kiểm chứng bởi Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) là hoạt chất an toàn thậm chí có thể dùng trong thực phẩm.
Tuy nhiên, bảng chỉ dẫn các chất hóa học an toàn (MSDS) khuyến cáo cần tránh cho hoạt chất propylene glycol tiếp xúc trực tiếp với da, đặc biệt là các vùng da đang bị tổn thương. Một số người có thể bị kích ứng da hoặc làm tăng tình trạng viêm da tiếp xúc do sử dụng thường xuyên các mỹ phẩm có chứa Propylene glycol.
- Formaldehyde
Formaldehyde là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư, xơ gan… ở người và đã bị cấm trong mỹ phẩm tại các nước châu Âu, Canada, Thụy Điển và Nhật Bản.
Các thành phần Quaternium-15, diazolidinyl urê, DMDM hydantoin, bronopol, hoặc imidazolidinyl urê có thể giải phóng formaldehyde.
- Sodium/Natri Lauryl Sulfate & Sodium/Natri Laureth Sulfate (Chất tạo bọt)
Đa số mọi người nghĩ rằng dầu gội tạo nhiều bọt càng nhiều thì càng tốt cho tóc nhưng thực tế không phải vậy. Các hóa chất dùng để tạo bọt sẽ phá vỡ các protein mà tóc cần để phát triển. Hơn nữa chúng lấy đi lớp dầu bảo vệ của tóc, có thể khiến tóc bị khô và gãy rụng, thậm chí là viêm da dị ứng (eczema).
Ngoài ra, cần tránh các sản phẩm có chứa Sodium/Natri Lauryl Sulfate hoặc sodium/Natri Laureth Sulfate bởi vì quá trình sản xuất các chất này có thể tạo ra sản phẩm phụ là 1,4-Dioxane, một chất được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xác định là chất có khả năng gây ung thư cho con người.
Nếu tiếp xúc thời gian ngắn với 1,4-dioxane nồng độ thấp sẽ gây kích ứng mắt và mũi, nếu tiếp xúc thời gian ngắn với nồng độ rất cao có thể gây bệnh về da, mũi, phổi, gan…